Viết bởi: admin, ngày 26/05/2025

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn được giao quản lý tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 10.000 ha, trong đó diện tích rừng trồng sản xuất là khoảng 2.600 ha, còn lại là rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng tự nhiên. Với quy mô hoạt động trải rộng trên địa bàn các huyện Vân Canh, Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn, Công ty giữ vai trò quan trọng trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị tài nguyên rừng của tỉnh Bình Định. Lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty bao gồm: trồng rừng, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ, sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp, tư vấn thiết kế lâm nghiệp và dịch vụ bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Công ty còn tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý rừng bền vững và phát triển chuỗi giá trị gỗ rừng trồng.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn luôn xác định nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ là yếu tố then chốt để phát triển bền vững trong sản xuất kinh doanh và quản lý tài nguyên rừng. Trong nhiều năm qua, Công ty đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt là các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nhằm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chọn tạo giống cây lâm nghiệp, sản xuất giống bằng công nghệ cao, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong sản xuất lâm nghiệp và công tác quản lý rừng bền vững và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Nhận thức được vai trò của giống chất lượng cao trong trồng rừng, trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, công ty đã phối hợp với Viện nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp thực hiện các khảo nghiệm chọn lọc giống keo lai, keo lá tràm, keo tam bội và bạch đàn có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện địa phương để phát tri sản xuất. Cụ thể đã chọn lọc được các giống như sau:

- Keo lai: BV71, BV73, BV376, BV586, BB055, BV97, BV110, BV340, BV566 đạt năng suất từ 25 m3/ha/năm trở lên, thân thẳng, cành nhành nhỏ, chống chịu gió bão tốt. Các giống này đã được Bộ NN & PTNT (nay là Bộ NN và MT) công nhận là giống mới để phát triển vào sản xuất.

- Keo lá tràm: LT70 và LT156 có năng suất đạt từ 20 m3/ha/năm trở lên, thân thẳng, cành nhành nhỏ, chống chịu gió bão tốt. Các giống này đã được Bộ NN & PTNT (nay là Bộ NN và MT) công nhận là giống mới để phát triển vào sản xuất.

Để tạo nguồn giống chất lượng cao cho sản xuất ở địa phương và cả nước Công ty đã phối hợp với Viện: Xây dựng các vườn giống các loài Keo lá liềm, Keo lá tràm, Keo tai tượng, Bạch đàn và Thông Caribaea; Nghiên cứu hoàn thiện các quy trình nhân giống nuôi cấy mô quy mô công nghiệp cho các giống đã được công nhận nhằm đưa nhanh ra sản xuất.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đó công ty đã đầu tư xây dựng, vận hành phòng nuôi cấy mô hiện đại với công suất hơn 5 triệu cây giống/năm hiện nay và dự kiến tăng 10 triệu cây trong thời gian đến. Công nghệ nuôi cấy mô đã được áp dụng rộng rãi để nhân nhanh giống keo lai và bạch đàn chất lượng cao, giúp đảm bảo nguồn giống đồng đều về di truyền, sạch bệnh, sinh trưởng mạnh và năng suất cao. Việc chủ động sản xuất giống bằng nuôi cấy mô không chỉ giúp Công ty giảm chi phí đầu vào mà còn nâng cao tính chủ động trong kế hoạch trồng rừng, đồng thời góp phần cung cấp giống chất lượng cao cho các đơn vị khác trong khu vực. Để đảm bảo chất lượng giống tốt nhất, công ty đã tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng do Viện đề ra vì vậy cây giống mô của công ty rất được ưa chuộng trên thị trường với mạng lưới tiêu thụ rộng khắp cả nước.

Từ kết quả nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn từ năm 2017 của công ty với Viện nghiên cứu lâm sinh, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 6-7 năm) thành rừng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm), công ty đã mạnh dạn chuyển hóa hơn 500 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Quá trình chuyển hóa gắn với các biện pháp kỹ thuật như: tỉa thưa hợp lý, bón phân định kỳ, chăm sóc tăng cường và kiểm soát sâu bệnh hại. Việc chuyển hóa đã đem lại giá trị kinh tế cao hơn gần 2 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ, cụ thể 1 ha rừng trồng Keo lai gỗ lớn với luân kỳ 10 năm đem lại doanh thu 380 triệu đồng, trong khi 2 luân kỳ Keo lai gỗ nhỏ với doanh thu mỗi luân kỳ 5 năm chỉ đạt khoảng 220 triệu đồng. Bên cạnh đó, rừng trồng gỗ lớn với luân kỳ dài hơn còn đem lại nhiều lợi ích như môi trường như nâng cao độ phì đất, bảo vệ đa dạng sinh học, đồng thời đem lại cơ hội thương mại hóa tín chỉ các bon trong tương lai.

Công ty là một trong những đơn vị tiên phong tại miền Trung thực hiện quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC (Forest Stewardship Council). Trong nhiều năm qua Công ty thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững và FSC, là đơn vị được tổ chức quốc tế GFA cấp Chứng chỉ rừng FSC năm 2020; hàng năm Công ty tiếp tục việc duy trì Chứng chỉ rừng FSC. Toàn bộ quy trình trồng rừng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ gỗ đều tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc FSC về bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền lợi người lao động và cộng đồng địa phương. Việc duy trì chứng chỉ này giúp sản phẩm từ rừng của Công ty có giá trị kinh tế cao khi tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước

Công ty cũng đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế lâm nghiệp thuộc Viện khoa học lâm nghiệp Việt Nam để triển khai việc ứng dụng cấp mã số vùng trồng thông qua Hệ thống iTwood. Hệ thống này giúp truy xuất nhanh chóng, chính xác nguồn gốc lô gỗ từ khâu trồng, chăm sóc đến khai thác và tiêu thụ.Việc ứng dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc là bước chuẩn bị quan trọng để Công ty đáp ứng được yêu cầu nghiêm ngặt của Quy định chống phá rừng EU (EUDR), góp phần duy trì hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Công  tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, làm giàu rừng tự nhiên để phát huy hơn giá trị phòng hộ, cảnh quan phục vụ phát triển kinh tế-xã hội cũng được chú trọng, Công ty đã phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu chọn tạo giống và bảo tồn thành công các loài cây bản địa quý hiếm, giá trị kinh tế cao Sao đen, Dầu rái, Dầu đọt tím.

Nhằm hiện đại hóa công tác quản lý và điều hành, Công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số. Hệ thống phần mềm quản lý rừng, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý nhân sự, phần mềm theo dõi tiến độ sản xuất… được triển khai tại tất cả các bộ phận giúp tăng tính minh bạch, chính xác và hiệu quả trong điều hành. Ngoài ra, Công ty cũng ứng dụng công nghệ GIS, ảnh viễn thám, máy bay không người lái (flycam) để xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo thời gian thực.

Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đã và đang khẳng định vai trò là một trong những đơn vị dẫn đầu khu vực miền Trung trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý tài nguyên rừng. Những thành tựu đạt được không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà còn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong thời gian tới, với định hướng phát triển lâm nghiệp sinh thái, đa giá trị, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu  Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, tăng cường chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế. /.

ThS. Trần Nguyên Tú

 

TIN TỨC MỚI HƠN:

TIN TỨC CŨ HƠN:

TIN TỨC SỰ KIỆN