Ðiểm tựa vững chắc từ cộng đồng dân cư
Mô hình cộng đồng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng tại núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn) thời gian qua đã có sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Nhân viên của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn cùng tổ cộng đồng tham gia tuần tra, bảo vệ và PCCCR trên núi Bà Hỏa. |
Dựa vào dân để phòng cháy, chữa cháy rừng
Núi Bà Hỏa có diện tích gần 222 ha, được ví như “lá phổi xanh” của TP Quy Nhơn. Do tiếp giáp khu dân cư của 4 phường: Lê Hồng Phong, Quang Trung, Ngô Mây và Đống Đa, nên nhiều năm qua, núi Bà Hỏa luôn đối diện với nguy cơ xảy ra cháy. Thực tế từ năm 2014 - 2016, trên núi Bà Hỏa đã xảy ra 10 vụ cháy rừng làm thiệt hại 59,4 ha, chủ yếu là rừng trồng có chức năng phòng hộ, môi trường cảnh quan.
Để tìm ra giải pháp tốt nhất trong công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), đồng thời, phát huy tối đa nguồn lực sẵn có ở địa phương, nâng cao ý thức, trách nhiệm, năng lực và quyền lợi của cộng đồng dân cư sống ven rừng, năm 2016, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn nghiên cứu xây dựng “Mô hình thí điểm cộng đồng tham gia PCCCR tại núi Bà Hỏa”. Mô hình này chính thức ra mắt vào tháng 3.2017 với 4 tổ cộng đồng, có 44 thành viên, hoạt động theo hình thức tự nguyện, kết hợp với lực lượng PCCCR của Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn và lực lượng PCCCR của các phường; có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phát hiện và kịp thời triển khai dập lửa khi có cháy rừng xảy ra. Từ ngày mô hình đi vào hoạt động, không có vụ cháy rừng nào xảy ra trên núi Bà Hỏa.
Ông Trần Nguyên Tú, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, cho biết: Năm 2017, Công ty với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo mô hình đã tổ chức 8 buổi tập huấn cho gần 300 người dân của 4 phường, cấp phát 100 cuốn sổ tay tuyên truyền công tác PCCCR. Các tổ của mô hình được trang bị các dụng cụ phục vụ cho việc tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR như: máy thổi gió, can nhựa đựng nước, rựa, đèn pin, giày vải đi rừng. Mô hình cũng đầu tư xây dựng 3 lò đốt vàng mã tập trung và đã đưa vào sử dụng từ tháng 1.2017 trên nghĩa địa Hóc Bà Bếp (phường Đống Đa) và nghĩa địa KV 1 (phường Quang Trung).
Nhắc lại vụ cháy rừng trên núi Bà Hỏa xảy ra vào ngày 9.8.2014 đã làm hơn 50 ha rừng cảnh quan bị cháy rụi, đe dọa đến tài sản, tính mạng của hàng trăm hộ dân sống xung quanh, ông Diệp Bảo Hồng, thành viên Tổ cộng đồng bảo vệ, PCCCR phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), khẳng định: “Từ ngày thành lập mô hình, chúng tôi xác định tuyên truyền công tác bảo vệ và PCCCR là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng cháy rừng trên núi Bà Hỏa. Qua các buổi tuyên truyền, người dân thấy được tác hại của cháy rừng nên vận động nhau tham gia bảo vệ, PCCCR ở núi Bà Hỏa tốt hơn”.
Các lực lượng tổ chức thu gom rác thải, vật liệu cháy trên đường băng cản lửa quanh bìa rừng núi Bà Hỏa. |
Nhân rộng mô hình
Bên cạnh công tác tuyên truyền PCCCR trong khu vực dân cư, hoạt động tuần tra, PCCCR cũng được duy trì, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ gây ra cháy rừng.
Ông Hồ Văn Hể, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, cho hay: Hoạt động tuần tra của các tổ cộng đồng được thực hiện thường xuyên trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 9 và các ngày 30, mùng 1, ngày 14 và ngày rằm hàng tháng. Đây là thời gian mà người dân địa phương thường hay cúng, viếng mộ, đốt vàng mã nên khả năng xảy ra cháy rừng rất cao. Để ngăn ngừa cháy rừng xảy ra, Công ty chủ động lập kế hoạch cho các tổ cộng đồng thực hiện tuần tra, kiểm tra công tác PCCCR. Các tổ sẽ phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng của Công ty, kiểm lâm địa bàn, tăng cường tuần tra, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong sử dụng lửa khi cúng, viếng mộ, đốt vàng mã.
Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, đánh giá: “Từ khi có mô hình, công tác bảo vệ và PCCCR tại núi Bà Hỏa đã có sự chuyển biến tích cực. Tài nguyên rừng đã, đang và được quản lý, bảo vệ chặt chẽ và rừng trồng đang sinh trưởng phát triển tốt; tình trạng cháy rừng trên khu vực được kiểm soát, kiềm chế và giảm thiểu triệt để. Ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và người dân trong cộng đồng dân cư trên lĩnh vực bảo vệ, PCCCR đã được nâng cao. Mô hình này sẽ được duy trì nhằm tăng cường gắn kết cộng đồng ở địa phương để công tác PCCCR đem lại hiệu quả. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm cũng sẽ nghiên cứu, nhân rộng mô hình này tới các địa phương khác trong tỉnh, nhất là ở địa bàn có rừng nằm gần khu dân cư”.
TRỌNG LỢI